chơi đùa cùng con và những điều bố mẹ cần lưu ý
Chơi đùa không chỉ giúp trẻ gắn kết yêu thương với bố mẹ mà còn giúp trẻ phát triển trí thông minh và hoàn thiện nhiều kĩ năng quan trọng trong cuộc đời.
Từ khi còn ở trong bụng mẹ, trẻ đã có nhu cầu được giao tiếp, chơi đùa cùng bố mẹ. Tuy nhiên, công việc bận rộn cùng quỹ thời gian eo hẹp khiến cho ngày càng có nhiều bố mẹ quên mất việc chơi đùa cùng con, đây là một thiệt thòi vô cùng lớn đối với trẻ, bởi vì chơi đùa không chỉ giúp trẻ gắn kết yêu thương với bố mẹ mà còn giúp trẻ phát triển trí thông minh và hoàn thiện nhiều kĩ năng quan trọng.
Thực ra, việc chơi đùa rất đơn giản đối với trẻ, bởi vì mọi việc đều là trò chơi, mọi thứ đều là đồ chơi, mọi nơi đều là chỗ chơi, mọi người đều là bạn chơi. Vì thế, một vài chia sẻ nhỏ sau đây sẽ giúp bố mẹ có thêm thời gian chơi với con, cùng con tận hưởng niềm hạnh phúc được chơi đùa, hơn thế nữa là giúp bé phát triển tư duy và trí tuệ cảm xúc tốt hơn.Hãy dành riêng cho bé những khoảng thời gian thực sự ý nghĩa
Bố mẹ không nhất thiết phải dành quá nhiều thời gian để chơi đùa cùng con, có thể chỉ cần 20 phút mỗi ngày, nhưng đó phải thực sự là khoảng thời gian chất lượng và có ý nghĩa. Khi đã chơi cùng con, cần tập trung 100% sự chú ý và cảm xúc vào bé, hãy tắt điện thoại, tivi, dừng mọi liên hệ công việc, nhu cầu cá nhân của bố mẹ. Sự tập trung không chỉ giúp cho thời gian chơi của cả nhà thực sự vui vẻ và hào hứng mà còn giúp bạn quan sát các hành động, biểu hiện cảm xúc của con tốt hơn để qua đó hiểu hơn tính cách cũng như sở thích của các bé.Hãy chơi theo ý muốn của con
Đừng áp đặt lên bé những điều "bố mẹ muốn",đừng áp đặt suy nghĩ của “người trưởng thành” lên trẻ nhỏ, hay "con phải thế này" khi chơi cùng bé. Bố mẹ hãy chơi theo bé, để bé tự do sáng tạo, để trở thành người bạn chơi "hợp cạ" của bé, bạn nên dùng cách chơi của con trẻ để chơi với con, đừng thắc mắc là tại sao lại chơi không đúng, chơi ở chỗ này hay chỗ kia…Hãy chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn và điều chỉnh khi bé cần giúp đỡ, bố mẹ hãy luôn lắng nghe và quan sát bé để giúp bé thực hiện tốt hơn những mong muốn của bé khi chơi, để bé chơi đùa vui hơn, an toàn hơn và sáng tạo hơn. Giúp bé chơi bằng tất cả các giác quan
Việc sử dụng các giác quan khi chơi cùng con tạo cho bé nhiều hứng thú hơn, không chỉ thế còn giúp bé tìm tòi, khám phá, thỏa mãn trí tò mò... để phát triển trí não tốt hơn. Khi cùng con chơi đùa, bố mẹ hãy giao tiếp nhiều hơn với bé bằng ánh mắt, bố mẹ có thể tự mô phỏng các âm thanh, khuyến khích bé sờ, nếm, ngửi... những món đồ chơi phù hợp hay vuốt ve, ôm ấp bé hoặc thậm chí là cùng bé lăn lộn trên sàn nhà... Cùng bé sáng tạo thêm trò chơi
Để kích thích trí sáng tạo của bé và giúp bé thích thú hơn khi chơi ngoài những trò chơi bé thường chơi hàng ngày, bố mẹ có thể giúp bé tạo thêm những trò chơi mới từ những món đồ chơi của bé hoặc bỏ qua những đồ chơi có sẵn.
Bố mẹ không nên phụ thuộc vào những đồ chơi có sẵn, chơi cùng bố mẹ là cơ hội tuyệt vời để bé được hướng dẫn, khám phá để tự tạo ra đồ chơi, trò chơi cho mình, chơi theo cách mà mình thích, vì thế cha mẹ hãy giúp bé sáng tạo hết sức có thể bằng những gợi ý, chỉ dẫn và trải nghiệm của chính mình.Đừng tranh thủ dạy con học khi chơi
Điều này có nghĩa là bố mẹ không nên đặt ra bất cứ một mục tiêu nào khi chơi đùa với con ngoài việc "chơi hết sức, vui hết mình", tận hưởng niềm vui và thư giãn hoàn toàn khi chơi. Khi được chơi đùa một cách hoàn toàn tự nhiên và thoải mái, bản thân bé cũng đã tự học hỏi và ghi nhớ được rất nhiều điều, bố mẹ chỉ nên trả lời, giải thích khi bé có câu hỏi hoặc thắc mắc nào đó, hãy trả lời bé thật đơn giản và đúng bản chất thật của sự việc, nếu có thể thì làm mẫu hoặc mô phỏng để giúp bé hiểu dễ dàng hơn.
Không chơi những trò chơi nguy hiểm đối với trẻ.
Để trẻ cười quá nhiều, ném trẻ lên cao, nắm lấy tay trẻ và lăng theo vòng tròn, bóp mũi… là một số trò đùa có thể mang lại tiếng cười và niềm vui cho trẻ, tuy nhiên nó cũng có thể gây ra những nguy hiểm đáng tiếc cho trẻ mà người lớn không lường trước được. Đây là một số trò chơi nguy hiểm tuyệt đối không nên chơi với trẻ:
Ném trẻ lên cao: Nhiều ông bố rất thích chơi trò tung hứng với con vì thấy mỗi lần làm vậy, bé đều cười rất tươi và tỏ ra vô cùng phấn khích. Thực tế, đây là một trò đùa rất nguy hiểm và không nên chơi với trẻ nhỏ.Khi ném trẻ lên cao, mặc dù trọng lượng của trẻ tương đối nhẹ, vậy nhưng nếu chẳng may bạn sẩy tay hay đôi tay của người lớn có thể chọc vào mắt hay các bộ phận khác trên cơ thể thì những thương tật gây ra cho trẻ thật khó mà tưởng tượng. Có nhiều trường hợp, trẻ bị chấn thương não hoặc nguy hiểm hơn là bị tử vong.Nắm lấy tay trẻ và lăng theo vòng tròn: Trẻ có thể rất hào hứng và thích thú mỗi khi được bạn nắm lấy hai tay và lăng bé quay. Tuy nhiên trò chơi này có nguy cơ làm trẻ bị trật khớp cổ tay, sái tay hoặc chóng mặt, nôn mửa.Thậm chí, rất nhiều trẻ nhỏ sau khi chơi trò này thường có những biểu hiện hoảng loạn, khóc lóc và hay giật mình. Đó chính là những chấn động tâm lý do sợ hãi. Đối với những trẻ lớn hơn 4 tuổi, cha mẹ có thể áp dụng trò này để giúp trẻ tập cân bằng tiền đình và giữ lực nắm ở tay. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn phải hết sức lưu ý để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra khi áp dụng trò chơi này
Để trẻ cười quá nhiều: Việc cù cho trẻ cười quá lâu sẽ có thể khiến trẻ bị ngạt thở do thiếu oxy. Cười to do bị cù làm cho áp lực trong bụng trẻ tăng cao, không có lợi cho sức khoẻ.Nếu trẻ vừa ăn cơm, làm thế có thể dẫn tới viêm ruột thừa, lồng ruột, thậm chí tắc ruột. Nếu trẻ còn đang ăn thức ăn, làm vậy sẽ khiến trẻ bị sặc đường hô hấp, có thể tắt thở.
Chơi là nhu cầu của bé, nên hãy để cho bé thật thoải mái khi vui chơi. Chúc bố mẹ sẽ có thật nhiều niềm vui và những khoảnh khắc hạnh phúc khi chơi đùa cùng các con.