Trong những ngày vừa qua, đông đảo người dân Hà Nội đứng ngồi không yên với những đường link thông tin được chia sẻ liên tục trên MXH về những nguy cơ ô nhiễm, phát hiện thủy ngân trong không khí. Không phải đến bây giờ, mà những câu chuyện đau lòng liên quan đến ngộ độc thủy ngân từ những vật dụng như nhiệt kế...đã từng được rất nhiều các bà mẹ bỉm sữa cảnh báo trên các diễn đàn lớn như webtretho, lamchame,... Bài viết dưới đây sẽ mang tới cho các bậc phụ huynh cái nhìn tổng thể hơn về thủy ngân, các yếu tố nguy cơ tiếp xúc hàng ngày cũng như những tác hại không lường trước đối với sức khỏe.
Thủy ngân và những nguy hại tới sức khỏe.
Theo Thạc sĩ Vũ Thị Tuyết Mai - Thạc sĩ y tế công cộng, bác sĩ đa khoa - Bộ Y tế: “Thủy ngân rất độc, có thể gây tổn thương não và gan nếu con người tiếp xúc, hít thở hay ăn phải. Nó có thể tấn công hệ thần kinh trung ương và hệ nội tiết, ảnh hưởng tới miệng, các cơ quai hàm, răng và có thể gây khuyết tật với thai nhi...” Bà Tuyết Mai cũng đồng thời nhấn mạnh “Hít phải thủy ngân có thể gây bệnh phổi nặng cấp tính, khiến nạn nhân bị ho, khó thở, đau tức ngực và có cảm giác đau rát ở phổi. Ngoài ra, nó gây mất trí nhớ, viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Trong một số trường hợp, có thể gây ra ngộ độc cấp tính, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu tiếp xúc lượng thủy ngân lớn.”
Một nghiên cứu của Đại học Vermont (Mỹ) đã chỉ ra rằng, thủy ngân tồn tại ở 4 dạng. Ở dạng nguyên chất, thủy ngân có màu xám bạc, lóng lánh và là một trong số ít kim loại tồn tại dạng thể lỏng ở dạng nhiệt độ thường. Với trạng thái linh động, thủy ngân dễ dàng tan ra thành dạng phân tử và hòa trộn vào không khí, sẽ rất nguy hiểm khi hít phải và để thủy ngân xâm nhập vào phổi.
Cảnh báo nguy cơ ngộ độc bởi tiếp xúc với thủy ngân hàng ngày.
Trong gia đình, thủy ngân nguyên chất thường tồn tại trong những chiếc nhiệt kế thủy ngân mà các bà mẹ thường hay sử dụng cho trẻ nhỏ. Những hiểm họa nguy cơ từ việc vỡ và để trẻ tiếp xúc với thủy ngân là vô cùng nguy hiểm. Nhiều bậc cha mẹ vì bất cẩn và thiếu hiểu biết đã để cho trẻ tiếp xúc với những loại nhiệt kế thủy ngân đó. Những rủi ro không lường trước được khi trẻ cho vào mồm và cắn vỡ không phải là những trường hợp hiếm vì trên thực tế, tại các diễn đàn lớn hay trên mạng xã hội, xuất hiện rất nhiều những lời cầu cứu, hỏi về phương pháp xử lí khi trẻ cắn vỡ nhiệt kế thủy ngân. Một dạng hợp chất thủy ngân có thể ngấm vào cơ thể con người thông qua thực phẩm đó là Methyl thủy ngân (MeHg). Metyl thủy ngân có mặt trong nước, không khí, thực phẩm, được là kết quả hình thành từ quá trình tích lũy sinh học. Với những loại thực phẩm cá, bao gồm cả cá nước ngọt và cá nước mặt, nhất là những loại cá đại dương như cá mập, cá kiếm, cá vược... metyl thủy ngân trong cá chủ yếu có nguồn gốc từ thủy ngân nằm trong trầm tích đại dương, được chuyển hóa thông qua thức ăn hữu cơ của chúng là các loại vi sinh vật và được hấp thụ qua mang, tích tụ trong các mô, cơ. Chính bởi lẽ đó, trong thịt của các loại cá này chứa một hàm lượng hợp chất thủy ngân, nếu ăn quá nhiều và thường xuyên các loại thực phẩm trên sẽ khiến cũng sẽ khiến cơ thể ngộ độc. Với trẻ nhỏ nên hạn chế không cho trẻ hấp thụ những dạng thực phẩm này.
Ở dạng hợp chất vô cơ, hợp chất thủy ngân được sử dụng làm vật liệu chế tạo pin,vi mạch điện tử, trong một số chế phẩm thuốc uống, thuốc mỡ, thuốc xịt côn trùng và một số loại thuốc có nguồn gốc thảo mộc. Một số trường hợp do sự bất cẩn của người lớn, trẻ nhỏ thường cho pin vào miệng ngậm, cắn... Điều này ẩn chứa những nguy hại cho sức khỏe của trẻ do trẻ có thể bị ngộ độc bởi những yếu tố kim loại nặng trong đó có các hợp chất kim loại nặng như chì, thủy ngân... Các bậc phụ huynh có con nhỏ đặc biệt lưu ý khi cho bé chơi và tiếp xúc với các sản phẩm đồ chơi trẻ em chạy bằng năng lượng pin. Với những chế phẩm thuốc men, cần được kê đơn bởi bác sĩ chuyên khoa, không tùy tiện sử dụng các loại thuốc mỡ khi chưa nắm rõ về thành phần cũng như chỉ định sử dụng. Hạn chế sử dụng các biện pháp diệt muỗi bằng hóa chất, thuốc xịt, có thể thay vào đó các biện pháp sinh học tự nhiên hoặc sử dụng những loại dụng cụ tiêu diệt côn trùng không độc hại như đèn bắt muỗi hiện đại, vợt muỗi... Một dạng tồn tại của thủy ngân nữa là hợp chất Thủy ngân phenyl (phenylmercury), hợp chất này được thêm vào dưới dạng phụ gia trong các sản phẩm sơn có nguồn gốc nhựa mủ, sơn ngoại thất, bả chống thấm và nhất là các loại mĩ phẩm dành cho mắt... Ở dạng hợp chất này, thủy ngân có thể xâm nhập vào cơ thể khi hít phải qua đường hô hấp, ngấm qua da hoặc đường tiêu hóa. Việc trang bị những chiếc máy lọc không khí trong nhà là vô cùng cần thiết để đảm bảo môi trường sống được trong lành, loại bỏ hay phần nào hạn chế được những phân tử của hợp chất trong không khí, bảo vệ sức khỏe không chỉ cho trẻ mà còn cho những người thân yêu khác trong gia đình.
Kết
Chúng ta đang sống trong thời đại công nghiệp phát triển nhanh đến chóng mặt kéo theo đó là cái giá phải trả khi chúng ta đang dần hủy hoại chính môi trường sống của chính mình. Kim loại và các hợp chất kim loại trong đó có thủy ngân được tìm ra và ứng dụng là để giúp phát triển các lĩnh vực chế tạo phục vụ cho cuộc sống. Việc nắm bắt được thông tin một cách chính xác, có chọn lọc sẽ giúp bạn có những hiểu biết để hạn chế những nguy cơ tiêu cực cho đời sống sức khỏe của mình và những người thân yêu trong gia đình.