Thói quen hay ngậm mút tay ở trẻ rất thường thấy. Nhiều cha mẹ cố gắng ngăn con có thói quen này nhưng không hiểu rằng ngậm mút tay lại là biểu hiện nhiều dạng tâm lí khác nhau ở trẻ em.
Việc mút tay có vẻ ngon lành đối với con nhưng lại là nỗi ám ảnh dai dẳng và đáng sợ của không ít ông bố bà mẹ, vậy mới có những tâm sự đau đầu về cuộc giằng co “ con mút tay – mẹ rút tay” dường như cứ mãi hoài không ngừng lại được. Phải chăng chúng ta đành bó tay chờ đến khi con chán thì thôi?
Hãy cùng Ikids – đồ chơi trẻ em tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ lại hay ngậm mút tay và cách chữa đối với căn bệnh này như thế nào?
Mút tay là phản xạ tự nhiên ở trẻ. Trẻ sẽ có cảm giác thoải mái khi đưa ngón tay vào mút, hoặc những lúc trẻ cảm thấy đói, buồn, mệt, trẻ cũng đưa ngón tay vào miệng.
Ngoài ra, một số trẻ mút tay vì thói quen này khá giống như khi đang được bú mẹ. Hoặc cũng có thể do trẻ đang mọc răng nên trerhay cho tay vào mút để giảm ngứa hoặc đau lợi.
Việc đặt ngón cái hoặc một ngón tay khác vào miệng mang đến cho một số trẻ cảm giác an toàn trong những giai đoạn khó khăn, chẳng hạn khi trẻ bị tách rời với bố mẹ, bị những người xa lạ bao quanh hoặc ở trong một môi trường không quen thuộc. Do việc bú ngón tay tạo nên sự thư giãn, nó cũng giúp trẻ dễ ngủ hơn. Vì lí do này, trẻ nhỏ hay bú ngón cái của chúng ta vào buổi tối hoặc vào những khi trẻ cảm thấy mệt mỏi.
Trẻ ngậm mút tay biểu lộ trẻ đang cần sự trợ giúp để tìm được cảm giác bình yên khi trẻ đang đối diện với những lo lắng, căng thẳng nhất là khi không có mẹ bên cạnh. Ngậm mút tay tạo cho trẻ cảm giác được gần gũi, ấm áp như khi đang được bao bọc trong vòng tay yêu thương của mẹ.
Tuy nhiên, thói quen bú ngón tay kéo dài có thể dẫn đến một số vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của miệng và sự sắp xếp của răng. Nó cũng có thể gây ra những thay đổi trên vòm miệng của trẻ.
Tác hại
Mút tay là một trong những thói quen bình thường ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu trẻ mút tay quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé:
Trẻ sẽ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là khi cha mẹ không vệ sinh sạch sẽ tay cho trẻ, theo đó, vi khuẩn sẽ tấn công vào cơ thể trẻ. Ảnh hưởng tới vòm miệng hoặc răng bị mọc lệch đối với những trẻ bắt đầu mọc răng vĩnh viễn nếu trẻ thường xuyên mút tay.
Ngậm mút tay khi bàn tay trẻ chưa được rửa sạch sẽ là yếu tố thuận lợi làm cho trẻ bị lây các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm qua đường tay – miệng như: bệnh tay chân miệng, bệnh cúm, bệnh thủy đậu, nhiễm giun và đặc biệt là các beehj về đường tiêu hóa.
Trẻ có nguy cơ mắc bệnh tâm lí hoặc rối loạn ngôn ngữ khi mút tay trong thời gian dài.
Trẻ dễ bị suy dinh dưỡng vì khả năng ăn uống kém, thường xuyên bị nôn trớ.
Ở những trẻ có động tác mút mạnh liên tục, thậm chí nhai hoặc dùng lưỡi đẩy có thể gây ra một số tổn thương ở da ngón tay như da ngón tay bị nứt đi nứt lại, thậm chí lở loét, sẽ tạo điều kiện cho vi trùng bên ngoài xâm nhập vào dưới da gây viêm da mủ. Mút tay nhiều với thời gian dài, còn gây biến dạng xương ngón tay, tạo nên hình dạng ngón tay bất thường.
Bạn cần:
Chắc chắn bạn phải giúp con bỏ thói quen mút tay, nhưng nếu bạn can thiệp quá sớm, không đúng cách hoặc cố can thiệp trong những hoàn cảnh bất lợi thì hoàn toàn có thể gây nên tác dụng ngược.
Thường thì các bé sẽ bỏ mút tay khi tìm được cách khác để giúp mình thoải mái và bình tĩnh nhưng để cho chắc chắn, bạn hãy giúp con bằng cách quan sát và hành động. Nếu xác định được thời điểm và địa điểm mà con bạn mút tay nhiều, bạn có thể xác định cho bé lựa chọn khác. Mấu chốt ở đây là bạn nhận ra được hành động mút tay này xảy ra ở đâu, khi nào để có cách phân tán sự chú ý cho phù hợp, tìm những hoạt động có thể giữ tay con bận rộn, đưa cho con những món ăn vặt lành mạnh, một chai nước và ống út để giúp giải tỏa cơn thèm của bé...
Nếu trẻ coi việc mút tay là hành động gây chú ý tới bạn thì tốt nhất, bạn hãy lờ nó đi. Điều này sẽ giúp bạn ngăn chặn việc mút tay của con một cách hiệu quả.
Hãy đánh lạc hướng trẻ bằng cách cho trẻ chơi bằng hai tay. Hãy nhắc nhở trẻ nếu thấy con thường xuyên mút tay và tỏ ra không hài lòng. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên phân tích cho trẻ hiểu, hành động mút tay là thiếu thẩm mỹ, không đẹp mắt, thậm chí còn là nguyên nhân khiến con bị bệnh .
Động viên và khuyến khích khi con không mút tay bằng một món quà nhỏ hoặc chyến đi chơi công viên. Đây chính là động lực để giúp con cai mút tay nhanh và hiệu quả.
Nếu mẹ cảm thấy lo lắng về việc trẻ mút tay ảnh hưởng tới răng miệng, mẹ hãy đưa trẻ tới nha sĩ để có biện pháp can thiệp kịp thời. Đồng thời, mẹ hãy nhờ nha sĩ nói chuyện với trẻ về những tác hại của việc mút ngón tay.
Việc giúp trẻ từ bỏ việc mút tay cần thời gian và kiên nhẫn. Mẹ đừng quá lo lắng mà gây áp lực cho con và cho chính mình.
Một số mẹo nhỏ các mẹ có thể học tập được
Với trẻ nhỏ, nên giám sát thường xuyên khi bé cho ngón tay và miệng thì phải kéo tay bé ra, đồng thời cho bé chơi trò chơi để thu hút sự chú ý của trẻ. Nên chọn những trò chơi trẻ dùng hai tay tham gia.
Cho trẻ mang găng trùm cả bàn tay khi ngủ.
Quấn băng y tế quanh ngón cái khi bé ngủ.
Bôi thuốc đắng vào ngón tay (trong trường hợp không còn cách nào khác).
Lưu ý
Thay vì trách móc trẻ khi chúng bú ngón tay, hãy khen ngợi trẻ khi trẻ không làm vậy.
Trẻ thường bú ngón tay khi cảm thấy bất an. Hãy chú ý đến việc giải quyết nguyên nhân gây ra sự lo lắng và làm trẻ thấy thoải mái.
Bạn cũng nên tìm hiểu tâm tư tình cảm của con xem trẻ có gặp khó khăn gì không. Nên gần gũi để trẻ không cô độc, khích lệ lòng tự hào của trẻ. Nếu thấy khó khăn trong việc cai mút tay cho con, bạn nên nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lí.
Việc từ bỏ một thói quen không phải là việc dễ dàng với bất kì ai, hãy cho con hiểu rằng hai bạn có thể cùng giúp đỡ lẫn nhau. Hãy thử cùng con thử tạo một cái lịch không mút tay để theo dõi và thưởng cho con vì đã biết kiềm chế xem sao, bạn có thể sẽ bất ngờ khi thấy chỉ cần những hình trên lịch thôi cũng thấy con tiến bộ hơn từng ngày.
Một cái ôm, hôn nhẹ nhàng như lời động viên cũng giúp các bé vui rồi.
Chúc các mẹ thành công.
Ý kiến bạn đọc
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn