Triển lãm đồ dùng, đồ chơi cấp học mầm non 2016 là sân chơi nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân có sản phẩm chất lượng, sáng tạo, có tính ứng dụng cao trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Đây là hoạt động vô cùng bổ ích và đồng thời là cơ hội giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm quí báu trong hoạt động chế tạo đồ dùng, đồ chơi tự tạo. Qua đó đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, tự làm, cải tiến, bảo quản, sử dụng đồ dùng, đồ chơi trong các cơ sở giáo dục mầm non nhằm tạo nguồn đồ dùng, đồ chơi tại chỗ kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Đến với triển lãm, 14 Phòng GD&ĐT trên địa bàn Tỉnh đã mang đến tham dự 14 gian hàng với 70 sản phẩm đồ dùng, đồ chơi bắt buộc và hàng trăm sản phẩm đồ dùng, đồ chơi ở các lĩnh vực giáo dục, được tuyển chọn từ triển lãm cấp huyện.
Các chủ đề chế tạo đồ dùng, đồ chơi tập trung vào các đồ dùng phục vụ cho những hoạt động dạy học nhưng vô cùng đa dạng với những nhóm đồ chơi như đồ chơi học toán, đồ chơi âm nhạc, đồ chơi tạo hình, đồ chơi phục vụ hoạt động ngoại khóa... Chất liệu được sử dụng để chế tạo cũng rất phong phú từ nhựa, giấy, bìa các tông, gỗ, tre, xốp, và cả những chất liệu được sử dụng từ đồ vật được tái chế lại. Cùng với sự tận tâm, say mê, yêu nghề, dưới cái nhìn mang đầy tính sáng tạo và cộng với sự khéo tay tỉ mỉ, các thầy cô giáo đã mang đến cho triển lãm những món đồ dùng, đồ chơi tự tạo vô cùng độc đáo, thiết thực cho công tác dạy học.
Cùng tham quan một số hình ảnh tại Triển lãm đồ dùng, đồ chơi cấp học mầm non 2016Chủ đề quê hương giàu đẹp với những mô hình đậm chất vùng miền địa phương. Quang cảnh Cầu Bãi Cháy - cây cầu dây văng với kỉ lục có chiều dài nhịp lớn nhất thế giới - niềm tự hào của Thành phố Hạ Long nói riêng và nhân dân toàn tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Mô hình làng quê Yên Đức, giới thiệu về hình ảnh làng quê mang đậm chất nông thôn vùng Bắc Bộ với những hình ảnh như cổng làng, cây cây đa, con đường lát gạch, những nóc nhà phủ rơm rạ, cánh đồng đang mùa cấy, ao nuôi... Sản phẩm đến từ gian hàng tham gia triển lãm của phòng GD - ĐT TX Đông Triều.
Mô hình Xưởng gốm sứ Vĩnh Hồng, giới thiệu bằng hình ảnh những đặc trưng của làng nghề ngay tại địa phương.
Đồ chơi âm nhạc, đồ chơi tự tạo khoe sắc tại triển lãm. Gian hàng sặc sỡ với các loại đồ chơi âm nhạc mô phỏng các nhạc cụ dân gian, ngoài ra còn có thêm các phương tiện dạy học khác như đồ chơi giúp trẻ vui học toán, đồ chơi hoạt động ngoại khóa chủ đề an toàn giao thông cùng với vô số những sản phẩm tạo hình đầy màu sắc, đáng yêu khác.
Mô hình phục vụ hoạt động dạy học ngoại khóa, chủ để "Em yêu biển đảo quê em" với tạo hình sinh động, thú vị, mô phỏng cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo - một trong những chủ đề nóng, có phần nhạy cảm nhưng được đưa vào để giáo dục trẻ xây đắp, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước.
Sự sáng tạo trong chất liệu chế tạo đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ Các chất liệu được sử dụng nhiều nhất trong tạo hình thiết kế đồ chơi, đồ dùng dạy học cho trẻ mầm non phải kể đến là các chất liệu giấy, bìa các tông, gỗ, tre và có sự góp mặt của các loại vật dụng tái chế.
Sự đa dạng trong chất liệu nhất là những chất liệu được tận dụng tái chế lại sau khi bỏ đi chính là một điểm độc đáo thể hiện khả năng sáng tạo trong thiết kế tạo hình và qua đó, cho thấy sự tỉ mỉ, khéo tay và công phu trong quá trình chế tạo.
Tổng kết
Thứ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Thị Nghĩa trong chuyến tham quan cũng đã đánh giá rất cao các sản phẩm thiết kế thủ công của các Phòng GD&ĐT với “Tiêu chí đưa ra là phải có tính ứng dụng cao; đảm bảo tính phù hợp với tâm, sinh lý lứa tuổi, có tính sáng tạo, khoa học, thẩm mỹ, an toàn tuyệt đối cho trẻ; khuyến khích làm các sản phẩm phù hợp với văn hóa địa phương, vùng miền và sản phẩm được làm từ những nguyên vật liệu sẵn có, đáp ứng nhu cầu dạy và học theo phương pháp đổi mới, phù hợp với tâm sinh lý, phát triển được tư duy và sáng tạo cho trẻ...Kết thúc triển lãm, Thứ trưởng nhấn mạnh thêm rằng " Ngành GD&ĐT Quảng Ninh cũng như ngành Giáo dục trong cả nước cần đưa hoạt động này trở thành một hoạt động sư phạm thưởng niên, góp phần tích cực đổi mới phương pháp dạy học trong giáo dục mầm non".